image banner
KẾ HOẠCH Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023

KẾ HOẠCH

Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng

 Ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023

 

 
   

 

Thực hiện Kế hoạch số 50/KH-TTYT ngày 04/5/2023 của Trung tâm Y tế quận Ngô Quyền về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới (8/5); Kế hoạch số 34/KH-TTYT ngày 29/3/2023 của Trung tâm y tế quận Ngô Quyền về thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về dân số năm 2023.

Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển phường Lạc Viên xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của xã hội, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số.

II. THÔNG TIN, CHỦ ĐỀ VÀ KHẨU HIỆU TRUYỀN THÔNG

1. Thông tin chung

Tại Việt Nam bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm 1960. Bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...

Ở nước ta có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh TMBS, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Chất lượng sống của các bệnh nhân bị TMBS rất thấp, số tử vong lớn. Qua báo cáo, từ năm 2001 đến nay, có tới 20% bệnh nhân chết ở lứa tuổi từ 6 - 7, nhiều em tử vong ở độ tuổi 16 - 17, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh nặng không có cơ hội xây dựng gia đình.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân TMBS đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội.

Nếu cả vợ và chồng đều mang gen bệnh thì có 25% nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biết gen. Đối với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình cần: truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt đời; đến khám và điều trị đúng hẹn; khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở, sốt cao, phù; phẫu thuật cắt lách giúp kéo dài khoảng cách thời gian giữa các đợt truyền máu; ghép tế bào gốc để điều trị bệnh, biện pháp này cần phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo hơn như phải tìm được nguồn tế bào gốc, điều kiện sức khỏe đảm bảo, các chi ghép.

2.Chủ đề và diễn giải

2.1. Chủ đề: “Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống

2.2. Diễn giải

Ngày Thalassemia Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 5, là một cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh thalassemia.

Đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, của gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Việc thực hiện tư vấn và tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.

Tổ chức truyền thông, cung cấp thông tin về tình hình bệnh TMBS, bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, về nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống thông qua: các hoạt động cung cấp tài liệu, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; truyền thông tại các trường từ trung học sơ sở đến trung học phổ thông; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân.

Hãy tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới và giúp thay đổi cuộc sống của những người mắc bệnh Thalassemia.

              3. Khẩu hiệu truyền thông

“Thực hiện tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.”

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

- Cắt treo băng zôn, áp phích, khẩu hiệu các trục đường trung tâm, nơi tập trung đông người, phát tờ rơi, phát tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh nhằm chuyển tải những thông tin, chủ đề, thông điệp đến với người dân.

- Tăng cường sử dụng các hình thức truyền thông hiện đại với nội dung phong phú thông qua mạng Internet, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube...Tăng cường các hoạt động sáng tạo các video, clip, tác phẩm tuyên truyền lồng ghép tại các buổi sinh hoạt cộng đồng đăng tải trên các nền tảng công nghệ số tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng.

- Lồng ghép hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề.

- Tăng cường truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng dân số, thông tin về bệnh TMBS từ đó tuyên truyền, vận động, tư vấn nam, nữ thanh niên thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, các gia đình thực hiện tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. BCĐ Dân số và Phát triển phường

Xây dng chi tiết Kế hoạch triển khai, hướng dẫn các phường triển khai, tổ chức thực hiện nội dung truyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023.

2. Trạm y tế phường:

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo Dân số và phát triển, xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện nội dungtruyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023.

- Các hoạt động triển khai theo các hình thức như giao lưu, tọa đàm, hội thi; tuyên truyền, tư vấn qua hội nghị. Thực hiện tuyên truyền thường xuyên trên đài phát thanh phường, tại trạm y tế.

- Kế hoạch tổ chức thực hiện nội dungtruyền thông hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023 gửi về Trung tâm Y tế quận Ngô Quyền (qua phòng Dân số truyền thông và giáo dục sức khỏe) trước ngày 04/5/2023.        

- Kết quả tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8/5) năm 2023 tổng hợp trong báo cáo kết quả thực hiện công tác truyền thông về dân số quý II năm 2023 gửi trước ngày 10/6/2023 để tổng hợp báo cáo Chi cục DS-KHHGĐ./.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0